Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

ca sỹ Ngọc lan đã từ trần

Vào khoảng năm tám tư, một tiếng hát nhẹ nhàng vang lên từ băng cassette bản Bức Tâm Thư của nhạc sĩ Lam Phương nghe rất quyến rũ làm tôi chú ý tới cái tên Ngọc Lan. Lúc đó giọng của cô còn ảnh hưởng bởi Thanh Lan nhưng dần dần Ngọc Lan tạo được chỗ đứng đặc biệt với âm sắc của riêng mình.
Nghe Ngọc Lan hát như lời thỏ thẻ của người tình, tiếng hát mong manh, một tí khàn đục ấm áp hòa với sự trong trẻo hồn nhiên. Cô hát rất tự nhiên như hơi thở không một tí phô diễn kỹ thuật để lời ca nét nhạc len vào tâm tư thính giả ngây ngất.
Nghe Ngọc Lan trong những tình khúc Trịnh Công Sơn mới thấy một lối diễn tả khác hẳn với Khánh Ly, người đã thành danh mấy chục năm trước bằng những nhạc phẩm này. Có lẽ những từ ngữ bóng bẩy của TCS cũng như dòng nhạc dịu dàng không đòi hỏi nhiều kỹ thuật ca hợp với chất giọng gợi cảm của Ngọc Lan.
Tài và sắc phải đi đôi ở người ca sĩ cho nên nhan sắc của Ngọc Lan lộng lẫy cũng tạo nên sức quyến rũ thính giả nhất là ở thời đại băng hình video phát triển của thập niên 80 và 90. Với khuôn mặt duyên dáng nhất là đôi mắt long lanh và mái tóc dài bồng bềnh, vẻ đẹp của Ngọc Lan vẫn ẩn chứa một nét u buồn, phải chăng bạc mệnh tài hoa biểu hiện qua đó.
Mười mấy năm trước Ngọc Lan là ca sĩ đắt giá nhất, nếu không bị bệnh phải nghỉ hát thì ngôi vị hàng đầu của cô khó có ai chiếm giữ. Cô có nhờ nhạc sĩ Ngọc Trọng sáng tác bài hát cho cuốn băng chủ đề giã từ sân khấu nhưng anh ta chưa làm được và anh kể cho tôi chuyện này: “Trong đầu tôi đã nhen nhúm một ý nhạc cho bài hát mang tên giã từ sân khấu để tặng cho Ngọc Lan cũng như những ca sĩ nào bị buộc phải nghỉ hát một cách đau khổ như vậy. Bài hát vẫn còn là bản thảo và cô đã giã từ sân khấu cuộc đời. Thế nào tôi cũng phải hoàn tất dù muộn màng.”
Tối hôm qua coi lại cuốn phim do Thanh Nga đóng, nét đẹp dịu hiền và giọng ca ngọt ngào của cô tài tử cải lương bạc mệnh tài hoa này. Thanh Nga bị bắn chết ở tuổi 37 vào năm 1977 để lại thương tiếc cho hàng triệu khán giả ái mộ.
Ngọc Lan cũng vậy, tin cô từ giã cõi đời hơi sớm làm bao người yêu ca nhạc thẫn thờ. Dù quen biết nhiều ca nhạc sĩ nhưng đặc biệt tôi chưa có dịp nói chuyện với cô bao giờ. Rất tiếc tôi không được hân hạnh có nhạc phẩm diễn tả bằng tiếng hát của Ngọc Lan.
Có lẽ những cảm tình thương tiếc của rất đông thính giả khi cô ra đi là niềm an ủi vô bờ cho Ngọc Lan vì ai rồi cũng phải chết. Những cuốn băng có tiếng hát Ngọc Lan và hình ảnh cô trong những cuốn video vẫn còn đó. Nghe cô hát và cảm nhận rằng tiếng hát Ngọc Lan mong manh như cuộc đời.
Trần Chí Phúc
Posted by TNS .

-->
2 Comments »
Thật là cao nhân..bái phục..
Trần Chí Phúc có những nhân xét về NgocLan như đinh đóng vào cột. Tôi vẫn thường thắc mắc sự nhận xét của mình..vì tôi biết bản chất mình hơi lệch lạc.
“Nghe Ngọc Lan hát như lời thỏ thẻ của người tình, tiếng hát mong manh, một tí khàn đục ấm áp hòa với sự trong trẻo hồn nhiên. Cô hát rất tự nhiên như hơi thở không một tí phô diễn kỹ thuật để lời ca nét nhạc len vào tâm tư thính giả ngây ngất.”(Tran chi phuc)
Nhận xét về giọng ca tôi phải chịu thua..quả thật có một chút khàn nhưng mà độc đáo hòa với giọng trong trẻo..Kỹ thuật phát âm đã chìm vào cảm xúc.Trần Chí Phúc có nói về âm sắc..tôi vẫn nghĩ đến no’ mà không sao nhớ được từ “âm sắc” (tone color).
Ông nói một câu chí ly..ai cũng phải chết..chết để lại xót thương cảm nhớ thật là vinh dự thay.
Chịu thua ông thầy Trần Chí Phúc..nhất dĩ quán chi.
Những người khác như Lâm tường Dũ có đưa ra nhận xét văn hóa bóng bẩy nhu’ng không “chắc nịch” như thế này.
Comment by Obsession — 11/28/2003 @ 4:43 pm
Cảm ơn bạn TNS
Tôi vòng vo biết bao ngày tháng vẫn không capture được cái “fundamental” của cái kỹ thuật và nghệ thuật của NgocLan.Đọc bài này tôi không còn thắc mắc nữa.Ước gì có ai sâu sắc bình dị TCP viết về sắc đẹp của NgocLan.
Comment by Obsession — 11/28/2003 @ 4:48 pm
RSS feed for comments on this post. TrackBack URI
Leave a comment
You must be logged in to post a comment.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét